Lịch sử New_Delhi

Thành lập

Lord Curzon và Lady Curzon đến Delhi Durbar, 1903.Buổi tiếp kiến Delhi năm 1911, Quốc vương George V và Vương hậu Mary ngồi trên đài.

Calcutta (nay là Kolkata) là thủ đô của Ấn Độ thời Raj thuộc Anh, cho đến tháng 12 năm 1911. Calcutta đã trở thành trung tâm của các phong trào dân tộc kể từ cuối thế kỷ XIX, dẫn đến phong trào Phân vùng của Bengal bởi Viceroy của chính quyền Anh ở Ấn Độ, Lord Curzon. Điều này tạo ra sự bùng nổ chính trị và tôn giáo lớn bao gồm các vụ ám sát chính trị của các quan chức Anh ở Calcutta. Tình cảm chống thực dân trong cộng đồng đã dẫn đến việc tẩy chay hoàn toàn hàng hóa của Anh, khiến chính quyền thực dân phải thống nhất lại Bengal và ngay lập tức chuyển thủ đô đến New Delhi.

Delhi trong quá khứ từng đóng vai trò là trung tâm chính trị và tài chính của một số đế quốc thời Ấn Độ cổ đại và của Vương quốc Hồi giáo Delhi, đặc biệt là thủ đô của Đế quốc Mogul từ năm 1649 đến năm 1857. Đầu thập niên 1900, có một đề xuất cho chính quyền Anh về việc dời thủ đô của Đế quốc Ấn Độ thuộc Anh từ Calcutta tại bờ biển phía đông đến Delhi.[6] Chính phủ Ấn Độ thuộc Anh cảm thấy rằng sẽ dễ dàng hơn về hậu cần khi cai quản Ấn Độ từ Delhi vì nó có vị trí tại trung tâm của miền bắc Ấn Độ.[6] Vùng đất để xây dựng thành phố mới Delhi thu được theo Đạo luật Trưng dựng Đất 1894.[7]

Ngày 12 tháng 12 năm 1911, trong Buổi tiếp kiến Delhi, George V với thân phận Hoàng đế Ấn Độ cùng với phu nhân là Mary tuyên bố[8][9] rằng thủ đô của Đế quốc chuyển từ Calcutta đến Delhi, trong khi đặt viên đá nền tảng cho dinh thự của phó vương tại Coronation Park, Kingsway Camp.[10][11]Viên đá nền tảng[12] của New Delhi được hai người đặt tại địa điểm diễn ra Buổi tiếp kiến Delhi tại Kingsway Camp vào ngày 15 tháng 12 năm 1911, trong chuyến công du của họ. Phần lớn New Delhi do Edwin Lutyens và Herbert Baker đặt kế hoạch, họ là các kiến trúc sư người Anh hàng đầu thế kỷ 20.[13] Hợp đồng được trao cho nhà thầu Sobha Singh. Công tác xây dựng thực sự bắt đầu sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và hoàn thành vào năm 1931. Thanh phố sau đó được gán tên là "Delhi của Lutyens" và được Phó vương Edward Wood khánh thành trong loạt buổi lễ từ ngày 10 tháng 2 năm 1931.[14] Lutyens thiết kế khu vực hành chính trung tâm của thành phố như một chứng tích cho khát vọng đế quốc của Anh.[15][16]

Loạt tem bưu chính năm 1931 đã tổ chức lễ khánh thành New Delhi với tư cách là trụ sở của chính phủ. Con tem một rupee cho thấy George V với "Tòa nhà Ban thư ký" và Cột Dominion

Ngay sau đó Lutyens bắt đầu cân nhắc đến các địa điểm khác, Ủy ban Kế hoạch Delhi Town lập kế hoạch thủ đô đế quốc mới, do George Swinton làm chủ tịch và John A. Brodie cùng Lutyens làm thành viên, trình báo cáo về cả hai địa điểm Bắc và Nam. Tuy nhiên, nó bị Phó vương bác bỏ do chi phí. Trục trung tâm của New Delhi nay nằm về phía đông của cổng Ấn Độ trước đó được dự tính là trục bắc-nam liên kết Dinh Phó vương ở một đầu đến Paharganj tại đầu kia. Trong những năm đầu của dự án, nhiều du khách cho rằng đó là một cổng từ Trái Đất đến Thiên đường.[17] Cuối cùng, do không gian hạn chế và hiện diện một lượng lớn địa điểm di sản tại phía bắc, ủy ban quyết định tại điểm phía Nam.[18] Một điểm trên đồi Raisina được chọn để xây Rashtrapati Bhawan, khi đó gọi là Dinh Phó vương. Nguyên nhân của sự lựa chọn này là đồi nằm trực diện với thành Dinapanah, vốn cũng được xem như địa điểm kinh đô Indraprastha cổ đại. Sau đó, viên đá nền tảng được chuyển từ địa điểm Buổi tiếp kiến Delhi năm 1911-1912 để gắn vào tường của sân trước Tòa nhà Thư ký. Rajpath, còn gọi là King's Way, trải dài từ cổng Ấn Độ đến Rashtrapati Bhawan. Tòa nhà Thư ký có hai khối nằm bên sườn Rashtrapati Bhawan và là nơi làm việc của các bộ trưởng trong Chính phủ Ấn Độ, nó và trụ sở của Nghị viện đều do Herbert Baker thiết kế, nằm trên phố Sansad Marg.

Tại phía nam, vùng đất cho đến lăng mộ Safdarjung được dành cho hình thành nơi mà nay gọi là Lutyens' Bungalow Zone.[19] Trước khi có thể bắt đầu xây dựng trên các chỏm đá của đồi Raisina, một đường sắt vòng quanh Tòa nhà Hội đồng (nay là Tòa nhà Nghị viện) mang tên Imperial Delhi Railway, được xây dựng để vận chuyển vật liệu và nhân công xây dựng trong vòng hai mươi năm sau đó. Trở ngại cuối cùng là tuyến đường sắt Agra-Delhi do cắt ngay qua địa điểm được đánh dấu để xây Đài kỷ niệm Chiến tranh Toàn Ấn có hình lục giác (cổng Ấn Độ) và Kingsway (Rajpath), vấn đề là do Ga Delhi cũ khi đó phục vụ toàn bộ thành phố. Tuyến đường được chuyển sang chạy dọc sông Yamuna, và bắt đầu hoạt động vào năm 1924. Ga đường sắt New Delhi khánh thành vào năm 1926 với một sân ga duy nhất tại cổng Ajmeri gần Paharganj.[20][21] Do quá trình xây dựng Dinh Phó vương (nay là Rashtrapati Bhavan), Tòa nhà Thư ký Trung tâm, Tòa nhà Nghị viện, và Đài tưởng niệm chiến tranh Toàn Ấn (cổng Ấn Độ) thoải mái về thời gian, công trình xây dựng một khu mua sắm và một quảng trường mới, Connaught Place, bắt đầu vào năm 1929 và hoàn thành vào năm 1933. Công trình được đặt tên theo Hoàng tử Arthur, Công tước xứ Connaught (1850–1942), và do Robert Tor Russell thiết kế, kiến trúc sư trưởng của Ban Công trình Công cộng (PWD).[22]

Sau khi thủ đô Ấn Độ chuyển đến Delhi, một tòa nhà thư ký tạm thời được xây dựng trong một vài tháng vào năm 1912 tại Bắc Delhi. Hầu hết quan chức chính phủ của thủ đô mới chuyển đến đây từ 'Old secretariat' tại Old Delhi (tòa nhà nay là trụ sở của Hội đồng Lập pháp Delhi), một thập niên trước khi thủ đô mới khánh thành vào năm 1931. Nhiều nhân công được đưa đến thủ đô mới từ các nơi xa tại Ấn Độ như bang Bengal và bang Madras. Sau đó, nhà ở cho họ phát triển quanh khu vực Gole Market trong thập niên 1920.[23] Xây dựng trong thập niên 1940 để làm nơi ở cho các nhân viên chính phủ, với các bungalow (nhà gỗ một tầng) cho quan chức cao cấp tại khu vực Lodhi Estate lân cận, Lodhi colony gần Lodhi Gardens lịch sử, là khu nhà ở cuối cùng được xây dựng trong thời Anh thuộc.[24]

Hậu độc lập

Rashtrapati Bhavan là trụ sở của Tổng thống Ấn Độ.

Sau khi Ấn Độ giành độc lập vào năm 1947, New Delhi được ban cho quyền tự trị hạn chế và do một ủy viên trưởng quản lý, người này do chính phủ Ấn Độ bổ nhiệm. Năm 1956, Delhi được chuyển thành lãnh thổ liên bang và cuối cùng ủy viên trưởng được thay bằng phó thống đốc. Đạo luật Hiến pháp năm 1991 bày tỏ rằng Lãnh thổ Liên bang Delhi chính thức được gọi là Lãnh thổ Thủ đô Quốc gia Delhi.[25] Một hệ thống được triển khai mà theo đó chính phủ tuyển cử được trao quyền lực lớn, ngoại trừ pháp luật và sắc lệnh vẫn thuộc về chính phủ trung ương. Việc thi hành thực tế pháp luật đến vào năm 1993.

Lần mở rộng lớn đầu tiên của New Delhi ra ngoài Lutyens' Delhi là trong thập niên 1950 khi Ban Công trình Công cộng Trung ương (CPWD) phát triển một khu vực đất lớn ở phía tây nam của Lutyens' Delhi nhằm hình thành khu ngoại giao tách rời Chanakyapuri, đất tại đây được giao cho các đại sứ quán, cao ủy và dinh thự của các đại sứ, quanh đại lộ Shanti Path.[26]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: New_Delhi ftp://ftp.atdd.noaa.gov/pub/GCOS/WMO-Normals/RA-II... http://airport-delhi.com/ http://www.delhicapital.com/about-delhi/fast-facts... http://cities.expressindia.com/fullstory.php?newsi... http://www.hindustantimes.com/CP-s-blueprint-Bath-... http://www.hindustantimes.com/Capital-story-Managi... http://www.hindustantimes.com/News-Feed/chunk-ht-u... http://www.hindustantimes.com/News-Feed/newdelhi/A... http://www.hindustantimes.com/News-Feed/newdelhi/W... http://www.hindustantimes.com/StoryPage/Fullcovera...